Cuộc vận động “Xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam”: Cần đi vào thực chất
VHO- Khẳng định văn hóa doanh nghiệp (VHDN) là “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt trong quá trình đi lên, phát triển bền vững của doanh nghiệp, do đó việc đưa Cuộc vận động “Xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam” vào cuộc sống phải đảm bảo thực chất, nhất là trong xét chọn doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa kinh doanh hằng năm.
Đó là nhấn mạnh của Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy tại Hội nghị triển khai Bộ tiêu chí Văn hóa kinh doanh và Quy chế xét chọn doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa kinh doanh Việt Nam với 8 tỉnh, thành khu vực Đông Nam Bộ do Ban Tổ chức Cuộc vận động “Xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam” (BTC 248) phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ VHTTDL, Bộ Công thương vừa tổ chức tại TP.HCM.
Để doanh nghiệp phát triển một cách bền vững thì cần nhiều yếu tố khác nhau, trong đó yếu tố văn hóa của doanh nghiệp có vị trí hết sức quan trọng, nó là “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt trong quá trình đi lên, phát triển bền vững của doanh nghiệp. Với ý nghĩa và vai trò như vậy, mong muốn các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp sẽ có trách nhiệm cùng đồng hành, tham gia hưởng ứng tích cực nhằm đưa các nội dung của bộ tiêu chí đi vào cuộc sống. (Thứ trưởng TRỊNH THỊ THỦY) |
Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy cho biết, các nghị quyết của Đảng hết sức nhấn mạnh về vai trò, vị trí và ý nghĩa của việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa kinh doanh trong quá trình phát triển bền vững của đất nước. Bộ VHTTDL đánh giá cao Hiệp hội Phát triển văn hóa doanh nghiệp Việt Nam đã chủ động phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương và đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp trong việc khảo sát, xây dựng bộ tiêu chí với những chuẩn mực về văn hóa kinh doanh, gồm 5 điều kiện bắt buộc, 18 tiêu chí cụ thể và 40 chỉ số đánh giá, đo lường làm căn cứ cho việc xét công nhận “Doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa kinh doanh Việt Nam” hàng năm nhằm cụ thể hóa các ý kiến chỉ đạo của Chính phủ.
Là một trong 10 doanh nghiệp đầu tiên được công nhận Doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa kinh doanh Việt Nam, bà Vũ Thị Thu Hương, Phó Ban Truyền thông và Văn hóa doanh nghiệp (Tập đoàn Dầu khí Việt Nam) chia sẻ, danh hiệu này như một mốc son để doanh nghiệp không ngừng hoàn thiện những giá trị của doanh nghiệp mình cũng như góp phần vào xây dựng cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam phát triển bền vững. Bởi các nội dung của bộ tiêu chí xét vinh danh rất xác thực đối với yêu cầu chung về xây dựng văn hóa doanh nghiệp. Vì thế Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã đưa việc tham gia danh hiệu đạt chuẩn văn hóa kinh doanh đến tất cả 32 đơn vị thành viên của Tập đoàn từ năm 2022, bà Hương cho biết.
Các doanh nghiệp, diễn giả chia sẻ về vai trò của văn hóa doanh nghiệp trong chuyển đổi số
Dẫn lại nhận định của các diễn giả, chuyên gia tại những diễn đàn, hội thảo khoa học trước đây, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy khẳng định, để doanh nghiệp phát triển một cách bền vững thì cần nhiều yếu tố khác nhau, trong đó yếu tố văn hóa của doanh nghiệp có vị trí hết sức quan trọng, nó là “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt trong quá trình đi lên, phát triển bền vững của doanh nghiệp. Với ý nghĩa và vai trò như vậy, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy mong muốn các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp sẽ có trách nhiệm cùng đồng hành, tham gia hưởng ứng tích cực nhằm đưa các nội dung của bộ tiêu chí đi vào cuộc sống. Triển khai hiệu quả và thực chất việc xét chọn, vinh danh doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa kinh doanh, góp phần tạo động lực đưa doanh nghiệp Việt Nam phát triển bền vững, xứng đáng là trụ cột trong phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.
Nhìn nhận vai trò của văn hóa doanh nghiệp, bà Đinh Thị Thúy, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần MISA chia sẻ, với quy mô nhân sự gần 2.500 con người như hiện nay thì văn hóa doanh nghiệp chính là yếu tố giúp Misa gắn kết nguồn lực trong doanh nghiệp, quy tụ tất cả chung một chí hướng và khát vọng. Theo đó, bất kỳ ai trong MISA cũng mang tinh thần phụng sự và nuôi dưỡng lòng tự hào về doanh nghiệp, thúc đẩy sự nỗ lực để tạo ra các sản phẩm, dịch vụ mang lại sự hữu ích cho xã hội. Ông Vũ Ngọc Quyết, Chủ tịch Công ty LocaMos cho rằng, văn hóa tác động trực tiếp tới yếu tố con người trong mỗi doanh nghiệp, nếu văn hóa không đủ mạnh có thể dẫn đến sự phản đối, kéo theo đó là tính hiệu quả cũng như lợi nhuận không được đảm bảo trong quá trình đầu tư chuyển đổi. Chính vì thế, các doanh nghiệp cần phải bắt đầu xây dựng văn hóa thích ứng với sự thay đổi trong doanh nghiệp, phối hợp giữa văn hóa, con người, cấu trúc và nhiệm vụ của họ.
“Nếu văn hóa doanh nghiệp không được đầu tư bài bản, yếu tố con người dễ bị ảnh hưởng, quy trình phối hợp không đồng nhất, dễ dẫn tới tinh thần không hợp tác hoặc chống đối, từ đó dễ thất bại trong quá trình phát triển. Vì thế, văn hóa được coi là “gốc rễ” của doanh nghiệp”, ông Quyết nói.
H.HẢI - H.HẠNH